Tin tức

Trang chủ/Tin ngành/[18/11/2024] THI CÔNG CỘT BỔ TRỤ CHO TƯỜNG GẠCH KHÔNG CẦN SỬ DỤNG CỐP PHA

THI CÔNG CỘT BỔ TRỤ CHO TƯỜNG GẠCH

KHÔNG CẦN SỬ DỤNG CỐP PHA

 

      Trong xây dựng, khái niệm bổ trụ tường rất phổ biến. Mục đích của việc bổ trụ là tăng sự ổn định của các bức tường có chiều dài lớn, giúp chúng kiên cố và vững chắc hơn trước tác động của môi trường xung quanh, tăng tuổi thọ của công trình.

      Theo tiêu chuẩn xây dựng, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều cao của tường trong khoảng L = 1-2H, tức là chiều dài của tường nằm trong khoảng 1-2 lần chiều cao. Trên thực tế, chiều cao mỗi tầng nhà chung cư cao tầng hoặc nhà ở thấp tầng khoảng 3m, nên với tường dài trên 6m thì cần tiến hành bổ trụ.

      Tại Việt Nam, phương pháp bổ trụ thông dụng nhất là đổ cột bê tông cốt thép: xây tường gạch xây trước, chừa lại chỗ để đổ cột bổ trụ, đi thép, lắp cốp pha rồi tiến hành đổ bê tông. Thông thường mỗi cột bổ trụ gồm 2-4 thanh thép đứng liên kết bằng thép đai tùy theo thiết kế và kích thước của tường.

      Bên cạnh phương pháp kể trên, nhiều nước khác còn sử dụng biện pháp bổ trụ đều dọc tường để tăng độ ổn định cho tường xây. Với biện pháp này, các cột bổ trụ được dàn đều theo chiều dọc tường và dùng chính các lỗ rỗng ở đầu các viên block để đi thép-đổ bê tông mà không cần sử dụng cốp pha để đổ cột.

      Tại mỗi lỗ rỗng sẽ đi 1 thanh thép đứng. Do thép đứng đi trước khi xây gạch, suốt từ sàn/móng đến trần, nên không thể sử dụng lỗ của viên block để đi thép (không thể luồn thép vào lỗ của block), bởi vậy người ta sử dụng loại gạch block có hai đầu lõm sâu. Thanh thép đứng sẽ đi vào lỗ tạo bởi hai đầu lõm của hai viên block.

Dưới đây là một số nét chính của biện pháp thi công này.

Vật liệu sử dụng

 

                        Block bê tông XMCL 2 đầu lõm được sử dụng đổ cột bổ trụ không cần cốp pha

 

      Vật liệu xây là block bê tông XMCL có 2 đầu lõm sâu để khi xây phần lõm ở đầu 2 viên block liên kết với nhau tạo thành lỗ lớn để đổ vữa hoặc bê tông vào bên trong. Thông thường, phần lõm của block bằng khoảng một nửa lỗ của viên block để khi ghép 2 nửa lại thì kích thước lỗ tạo thành bằng lỗ của block.

Biện pháp thi công

      Trước tiên, cần đặt gạch khô, xác định và đánh dấu các vị trí sẽ đi thép đứng. Khoảng cách giữa các thanh thép là 0.8m hoặc 1.2m (2-3 block).

      Đi thanh thép đứng tại các vị trí đã đánh dấu. Đi từ sàn/móng đến trần.

      Tiến hành xây gạch như bình thường, theo hướng dẫn thi công gạch block bê tông XMCL. Xây lên khoảng 2-3 hàng thì tiến hành đổ vữa hoặc bê tông vào các lỗ gạch đã đi thép.

      Sử dụng các viên demi tại tại các vị trí bổ trụ, đầu tường trong trường hợp cần thiết.

      Nếu cần chèn bằng những viên nhỏ hơn Demi, tiến hành cắt gạch bằng máy để sử dụng.

Tường xây có cột bê tông cốt thép được thi công theo biện pháp bổ trụ đều dọc tường

 

Ưu nhược điểm của biện pháp bổ trụ đều dọc tường

      Biện pháp bổ trụ đều dọc tường có ưu điểm không cần sử dụng cốp pha để thi công cột bổ trụ, không phải xử lý liên kết giữa 2 vật liệu bê tông-gạch, giảm nguy cơ nứt tường. Ngoài ra, không cần sử dụng thép đai, dây kẽm, … nên cũng tiết kiệm được chi phí vật tư và nhân công.

      Điểm trừ của biện pháp này là phải sử dụng gạch block bê tông XMCL có đầu lõm sâu, hiện nay còn ít được sản xuất và phổ biến tại Việt nam. Tuy nhiên, với số lượng đặt hàng đủ lớn, các nhà sản xuất gạch bê tông XMCL có uy tín ở Việt nam hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng với chất lượng không thua kém các nước tiên tiến khác.

Nguyễn Hồng Phong – Phó Giám đốc Công ty CP VLX Đại Dũng