Tin tức

Trang chủ/Tin ngành/CẢNG TRUNG CHUYỂN QUỐC TẾ CẦN GIỜ: LÀM BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là cảng xanh, sử dụng điện - Ảnh: THẾ KIỆT

Chiều 12-5, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ".

Cơ hội vàng để làm cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là bước phát triển đột phá, không chỉ cho TP.HCM mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ

Cảng sẽ là cửa ngõ giao thương mang tầm cỡ quốc tế và khai thác lợi thế vận tải đường biển từ châu Á, sang châu Âu và châu Mỹ. 

Đây là cơ hội lớn đòi hỏi TP phải thực hiện nhanh nhất có thể để không vụt mất.

Theo ông Lịch, đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là đề án lớn. Đây là câu chuyện chung của vùng Đông Nam Bộ, do vậy chúng ta không nên suy nghĩ cảng Cái Mép - Thị Vải là của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn cảng Cần Giờ là của TP.HCM. 

Đây không chỉ đơn giản là câu chuyện xây cảng mà còn các vấn đề quy hoạch, kết nối và phát triển cụm cảng biển số 4.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) - cũng nhận định cảng Cần Giờ mang tầm vóc khu vực, thậm chí mang tầm quốc gia. Do vậy, cần sự vào cuộc của bộ ngành và các địa phương để điều phối chung tạo liên kết vùng kinh tế.

Lưu ý thêm, ông nói quá trình nghiên cứu phải chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng sau cảng và thủ tục thông thoáng để xứng tầm… TP có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các cảng xanh, cảng tự động, thông minh như ở Trung Quốc, Singapore...

Ở góc độ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, ông Lê Duy Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - nói cảng Cần Giờ phù hợp với mô hình một cảng trung chuyển quốc tế tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, để có thể thực sự trở thành một cảng trung chuyển quốc tế như Singapore thì cần cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Đó là hệ thống thiết bị hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, phần thủ tục hành chính, các cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước cần được quan tâm.

Cảng trung chuyển với mức đầu tư dự kiến 5,4 tỉ đô la

Trình bày cụ thể về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, theo ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus). Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).

Về công nghệ, ông Tuấn nói cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là công nghệ cảng xanh, sử dụng điện. Nhà đầu tư cũng đã cam kết mang công nghệ hiện đại nhất đến Cần Giờ. 

Về môi trường, vị trí dự án làm tại cù lao Phú Lợi hoàn toàn không có người ở, nằm tách biệt hẳn với đất liền. Nơi đây nằm cạnh luồng Cái Mép - Thị Vải, vốn đã quen với hoạt động hàng hải.

Việc kết nối giao thông cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ từ nay đến năm 2030 chỉ bằng đường thủy. Sau 2030 sẽ có kết nối đường bộ bằng đường trên cao để giảm tối đa ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

"Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang đứng trước nhiều thuận lợi, được sự ủng hộ của trung ương cũng như địa phương và nhà đầu tư là hãng tàu lớn trên thế giới. Những ai trong ngành hàng hải sẽ hiểu việc xây dựng cảng là bây giờ hoặc không bao giờ", ông Tuấn chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị hoàn thành đề án trong tháng 5-2023 - Ảnh: THẾ KIỆT

Kết luận buổi hội thảo, theo ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM, các góp ý trong hội thảo đánh giá được tiềm năng, nhu cầu khai thác cảng nước sâu, cảng quốc tế trên địa bàn TP.

Qua đây, chúng ta có cơ sở đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển quốc gia, nhóm cảng biển số 4. Đồng thời đưa vào quy hoạch quận, huyện đến 2040 để trình trong những quy hoạch tiếp theo.

Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị hoàn thành đề án trong tháng 5-2023. Trong đó phải chú trọng thực tế, nghiên cứu kỹ làm sao đồng bộ phát triển cảng biển nhưng cũng bảo vệ môi trường.