Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN tại Việt Nam phát biểu tại phiên họp của Ban chỉ đạo Dự án vừa diễn ra gần đây tại Hà Nội
Bỏ rào cản bằng chính sách mở
Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, từ trước tới nay, trong xây dựng, gạch đỏ vẫn được sử dụng rộng rãi. Để sản xuất loại gạch này phải dùng tới nhiều loại vật liệu, khoáng sản không tái tạo, nhiên liệu hóa thạch; sản phẩm được nung bằng lò thủ công hoặc lò tuy-nen, thải khí CO2 nên gây hiệu ứng nhà kính; người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu dùng cho việc sản xuất gạch đỏ đang cạn kiệt do lượng phù sa bồi đắp ở các bãi ven sông không còn nhiều, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất.
Để thay thế cho gạch đỏ, hiện nay, việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm GKN đã được quy định trong nhiều chính sách như: Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg; Quyết định 1469/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Chỉ thị số 10/CT-TTg tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung…
Đặc biệt, với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN ở Việt Nam, từ năm 2014 - 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng đã thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và các nguồn đồng tài trợ khác với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN ở Việt Nam. Mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, nếu muốn đưa GKN ứng dụng rộng rãi vào thực tế thì giá cả phải hấp dẫn và thông tin phải đến người sử dụng một cách đầy đủ. Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quản lý vật liệu xây dựng đã có các ưu đãi đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000m3/năm trở lên; dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) có công suất cho một dây chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên.
Bên cạnh đó, khi dùng GKN người sử dụng còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 và hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 19 của Luật Đầu tư; được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư có chi phí chuyển giao theo quy định tại Điều 9 và Điều 39 của Luật Chuyển giao công nghệ… “Chính các ưu đãi này sẽ giúp hạ giá thành cho sản phẩm GKN”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp nói.
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo Dự án vừa diễn ra gần đây tại Hà Nội, ông Đỗ Giao Tiến - Quản đốc Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN tại Việt Nam cho biết, thông qua việc triển khai dự án, khuôn khổ chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn phát triển vật liệu xây không nung đã được nghiên cứu, hoàn thiện.
Một số chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành góp phần từng bước loại bỏ các rào cản, cản trở để đưa GKN được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng. Đặc biệt, Ban Quản lý Dự án đã xây dựng 05 bộ tài liệu đào tạo; tổ chức 23 khóa đào tạo cho 1.680 học viên đến từ 63 tỉnh, thành phố về các chính sách và các tiêu chuẩn và quy chuẩn GKN; thiết kế và xây dựng các công trình sử dụng GKN; công nghệ sản xuất bê tông khí chưng áp; công nghệ sản xuất gạch bê tông cốt liệu…
Xu thế tất yếu
Nhấn mạnh lợi ích mang lại từ GKN, Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, ngoài việc tiết kiệm tài nguyên đất sét và diện tích canh tác nông nghiệp; tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, giảm khí thải,… GKN còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải.
Việc tăng tỷ lệ GKN so với gạch đỏ là xu hướng tất yếu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp, phát triển sản xuất vật liệu xây không nung sẽ từng bước tận dụng các nguồn phế thải, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh, công trình xanh. Từ lâu, trên thế giới đã sử dụng GKN với tỷ lệ sử dụng rất cao, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia có mức sử dụng GKN lên tới 70-80%.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, việc thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm là một trong những rào cản không nhỏ cho các nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ dẫn tới kỹ thuật, tiếp thu công nghệ chưa tốt. Mẫu mã một số sản phẩm GKN còn đơn điệu, chưa phù hợp với thị trường. Nhận thức của nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, cần có yêu cầu đặc thù về kỹ thuật, quy trình thi công. Nhiều đơn vị thi công chưa tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật nên khi sử dụng đã gây ra các khuyết tật nứt rạn, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng sản phẩm, lòng tin của người sử dụng.
Đánh giá về chất lượng GKN hiện nay, PGS.TSKH. Bạch Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Trường Đại học Xây dựng cho biết, để GKN mà cụ thể là gạch bê tông đảm bảo chất lượng, chúng cần đảm bảo nguyên liệu: xi măng, cốt liệu, phụ gia khoáng, phụ gia hoá học và nước đảm bảo chất lượng. Cùng với đó là thành phần phối liệu hợp lý đảm bảo mác thiết kế, quá trình trộn với độ đồng nhất cao, tạo hình trên thiết bị rung ép được lèn chặt tốt, độ đồng đều các viên gạch trong một lần ép cao và được bảo dưỡng trong môi trường ẩm bão hoà đến khi ổn định thể tích.
Một số sản phẩm gạch, ngói không nung tại Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group
Hiện nay, có 3 dây chuyền sản xuất gạch bê tông công nghệ tiên tiến, công suất lớn đã đầu tư gồm: Nhà máy gạch bê tông của Công ty Tân Thành 9 Thanh Hoá; Nhà máy gạch bê tông thuộc Công ty Trần Châu, Hà Tĩnh; Nhà máy gạch không nung Đại Dũng Xanh, TP. Hồ Chí Minh. Tại ba nhà máy này mỗi ca sản xuất chỉ từ 3-5 nhân viên. Quy trình công nghệ sản xuất gạch bê tông tại các nhà máy này, đặc biệt là quy trình bảo dưỡng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng gạch ổn định.
PGS.TSKH. Bạch Đình Thiên cho biết thêm, tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, 100% các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng GKN. Để tăng tỷ lệ đón nhận GKN trong cộng đồng, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền những lợi ích mang lại từ việc sử dụng GKN, đồng thời việc dùng các dây chuyền hiện đại và sản xuất với năng suất cao, giá thành GKN sẽ rẻ và cạnh tranh được với gạch đỏ trong thời gian tới.
Theo CESTC
Nguồn: vista.gov.vn