Tin tức

Trang chủ/Tin ngành/[10/09/2024] KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG

Nhằm đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030. Căn cứ theo đó, nhiều địa phương đã tích cực triển khai, tuyên truyền và khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có tổng số 136 cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế đạt khoảng 203,8 triệu viên/năm. Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, TP và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái, tổng sản lượng sản xuất gạch không nung trên địa bàn tăng dần qua các năm.

Một cơ sở sản xuất vật liệu không nung tại Yên Bái

Tương tự như với Yên Bái, tỉnh Thanh Hóa cũng có những hành động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu về vật liệu xây không nung do Chính phủ đề ra. Tính đến hết năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 52 dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất thiết kế khoảng 1.204 triệu viên/năm, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng gạch xây toàn tỉnh. Sản phẩm gạch xây không nung sản xuất trên địa bàn tỉnh được đưa vào công trình xây dựng có chất lượng bảo đảm, trong đó có 35/52 đơn vị công bố Hợp quy sản phẩm gạch xây không nung theo quy định của Bộ Xây dựng.

Tỉnh Thanh Hóa hiện đang hướng đến mục tiêu đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ lớn hơn 35% về sản lượng sản xuất vào năm 2025 và lớn hơn 40% vào năm 2030, bảo đảm tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng theo quy định.

Trên thực tế, công tác quản lý và phát triển vật liệu xây không nung còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chưa có thói quen sử dụng gạch xây không nung nên việc tiêu thụ, sử dụng đối với người dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc giám sát, quản lý chất lượng gạch không nung còn hạn chế nên vẫn có trường hợp gạch kém chất lượng và không đảm bảo khi đưa vào sử dụng. Giá cả của loại vật liệu này hiện vẫn ở mức cao.

Dù vậy, các địa phương vẫn đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích, ưu điểm, hiệu quả của việc sử dụng vật liệu xây không nung đối với các công trình xây dựng nhằm từng bước định hình thói quen sử dụng vật liệu xây không nung của người dân, chủ đầu tư dự án. Đặc biệt, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng để nâng cao tỷ lệ sử dụng, chất lượng sản xuất vật liệu  trên địa bàn.

Nguồn: Diễn đàn kinh tế đô thị