Tin tức

Trang chủ/Tin ngành/[22/10/2024] MỘT SỐ LỖI PHỔ BIẾN KHI ĐÓNG LƯỚI CHỐNG NỨT TƯỜNG

MỘT SỐ LỖI PHỔ BIẾN KHI ĐÓNG LƯỚI CHỐNG NỨT TƯỜNG

     Đóng lưới chống nứt là công việc không quá khó khăn mà lại đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc đóng lưới không đúng kỹ thuật xảy ra khá thường xuyên trên thực tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Dưới đây xin kể một số lỗi hay xảy ra trong quá trình đóng lưới chống nứt tường.

Lỗi thường gặp khi đóng lưới chống nứt.

   1. Đầu tiên phải kể đến việc sử dụng lưới không đạt chất lượng/ không phù hợp: lưới bị rách mắt, rỉ sét, … Chọn lựa lưới có mắt quá to hoặc quá nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thông thường sử dụng lưới thép chống nứt có kích thước 6x12mm hoặc 10x20mm.

   2. Không vệ sinh sạch sẽ, làm ẩm tường trước khi đóng lưới. Các tạp chất cũng như tường quá khô sẽ làm giảm độ bám dính của hồ dầu và vữa dẫn đến giảm khả năng liên kết của lưới với tường.

   3. Bề mặt tường không phẳng, đều. Bề mặt tường bị lồi lõm làm cho lưới không áp sát được vào mặt tường dễ dẫn đến không thể điền đầy vữa.

   4. Lưới bị bập bùng, không áp sát vào mặt tường. Đây là lỗi rất hay gặp trên thực tế do thợ đóng thiếu đinh hoặc đóng không cẩn thận.

Với lỗi 3 và 4 (bề mặt tường có lồi lõm, lưới đóng bị bập bùng) sẽ dễ tạo các hốc rỗng bên trong lớp vữa, dễ gây nứt hơn cả không đóng lưới.

   5. Lưới đóng áp sát mặt tường nhưng không được cố định chắc vào tường.

   6. Lưới bị đóng lệch vị trí cần bảo vệ hoặc phần lưới trùm ra ngoài không đủ lớn.

   7. Không quét hồ dầu. Đây cũng là lỗi rất hay gặp.

   8. Sử dụng vữa không đúng mác, cấp phối.

                                       1/ lưới không áp sát mặt tường;                                                             2/ Mặt tường-cột bị lồi lõm (không phẳng)

Đóng lưới sắt tô trát không đúng kỹ thuật

 

Qui trình đóng lưới chống nứt tường đúng kỹ thuật.

Qui trình đóng lưới chống nứt bao gồm các bước sau:

   1. Lựa chọn lưới: Lưới phải rộng hơn mặt hồ tối thiểu 7-10cm mỗi bên (theo đúng TCVN 9377-2:2012 mục 4.1.11).

   2. Tạo phẳng bề mặt tường ở vị trí đóng lưới:

       - Đối với vị trí đi điện nước, cần điền đầy hồ vào nơi đặt ống để hồ phủ kín ống và bằng với mặt gạch.

       - Đối với các vị trí tiếp giáp hai vật liệu, góc cửa: nếu bị lồi lõm, cần làm phẳng lại trước khi đóng lưới.

   3. Vệ sinh làm sạch, phun nước làm ẩm.

   4. Lắp đặt lưới:

       - Trải lưới lên vị trí đã chọn.

       - Cố định lưới bằng đinh đầu dẹt (hoặc thêm long đền) sao cho mặt lưới áp sát với mặt tường.

       - Quét lớp hồ dầu mỏng lên lưới mới trải.

   5. Thi công tô trát.

Tiến hành tô trát theo qui trình thông thường. Lưu ý để lớp vữa bao phủ hoàn toàn lưới, không để lộ ra bên ngoài.

                                         Đóng lưới sắt tại vị trí ME và góc tường-cột                                       Dán lưới thủy tinh tại góc tường-cột bê tông

     Trên đây là một số lỗi hay gặp khi thi công lưới sắt (lưới mắt cáo) chống nứt và qui trình đóng lưới chuẩn. Ngoài ra, có thể sử dụng lưới thủy tinh bền kiềm thay cho lưới sắt. Lưới thủy tinh dễ thi công hơn ở các vị trí góc vuông (lưới sợi thủy tinh mềm nên dễ dán áp sát mặt các góc tường hơn lưới sắt). Qui trình thi công lưới thủy tinh bền kiềm đã được nói trong bài viết trước của chúng tôi.

Nguyễn Hồng Phong – Phó Giám đốc Công ty CP VLX Đại Dũng