Tin tức

Trang chủ/Tin ngành/GẠCH KHÔNG NUNG - NHIỀU ƯU TIÊN NHƯNG VẪN Ở THẾ YẾU

Chưa tìm được thị trường

Triển khai thực hiện Quyết định 567, các mô hình sản xuất gạch không nung trên cả nước từng bước được đầu tư một cách bài bản, khoa học. Nhiều địa phương đã xây dựng, ban hành lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng không nung nhằm tận dụng các phế thải công nghiệp đã giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Trong quá trình sản xuất gạch không nung, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao nên đảm bảo an toàn đối với con người.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 10 năm triển khai Quyết định, số lượng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung đã tăng lên hơn 2.300 cơ sở, sản lượng chiếm khoảng 35% tổng công suất thiết kế vật liệu xây dựng. Việc phát triển, mở rộng quy mô sản xuất gạch không nung góp phần không nhỏ tác động tích cực tới trữ lượng tài nguyên khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện nay vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng không nung ở Việt Nam mới chỉ chiếm 25% tổng số vật liệu xây (mục tiêu đến năm 2020 là 30%). Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã thay thế đến 60% vật liệu xây dựng không nung trong công trình xây dựng.

Gạch không nung vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường

Nguyên nhân khiến gạch không nung chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường chính là yếu tố chất lượng. Hiện nay, đa số người dân vẫn ưa chuộng sử dụng gạch đất sét nung do sản phẩm này đã được kiểm chứng về độ bền, độ thấm, mức chịu lực... Trong khi đó, nhiều dây chuyền sản xuất gạch không nung chưa bảo đảm được chất lượng, trong quá trình sử dụng xuất hiện nhiều hạn chế như độ thấm, nứt cao nên không mang lại niềm tin cho người sử dụng. Lý giải về những hạn chế này, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Ngay cả việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ cũng chưa tốt nên chất lượng sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tại nhiều cơ sở sản xuất, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo. Có những nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất.

Cần nhiều giải pháp hơn nữa

Để đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng, hầu hết các chuyên gia cho rằng, nếu sản phẩm có chất lượng tốt thì sẽ tìm được chỗ đứng trong sự cạnh tranh của thị trường. Nếu như đưa ra cơ chế ép buộc loại bỏ sản phẩm truyền thống, trong khi chất lượng vật liệu xây dựng không nung chưa được bảo đảm thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Do đó, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không nung cần phải huy động nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật để làm chủ công nghệ trong sản xuất…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có hành lang pháp lý mạnh hơn nữa cho vật liệu xây dựng không nung phát triển. Được biết, tại một số nước, các chính sách để phát triển vật liệu xây dựng không nung thường tập trung vào hai hướng: chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung và chính sách nhằm hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo và Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Lê Đức Thịnh, tại Canada, Chính phủ đã sử dụng chính sách thuế cacbon (Carbon Tax), áp cho đơn vị cacbon phát thải. Vì vậy, các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung ngày càng phong phú, đa dạng hơn trên thị trường. Ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng có nhiều chính sách tương tự.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Xi măng và Bê tông - Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đề xuất Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thiết bị cho sản xuất gạch không nung, và các doanh nghiệp này cần được hưởng các chính sách ưu đãi nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất gạch không nung, tăng tính cạnh tranh về giá của gạch không nung so với gạch đất sét nung. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đối với các cơ sở sản xuất gạch không nung, kiên quyết xử phạt nặng hoặc đóng cửa đối với các cơ sở sản xuất gạch không nung không tuân thủ yêu cầu về chất lượng sản phẩm, không thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn thi công cho các loại gạch không nung; tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, đào tạo tập huấn về sử dụng gạch không nung cho các tổ chức thẩm tra, thanh tra xây dựng, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và người sử dụng.

ximang.vn