Tin tức

Trang chủ/Tin ngành/GIẢM THẢI HƠN 3 TRIỆU TẤN CO2 NHỜ PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng tính toán, hàng năm, chúng ta tiết kiệm được hơn 9 triệu m3 đất sét, hơn 900.000 tấn than và giảm thải hơn 3 triệu tấn CO2 ra môi trường nhờ phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN).

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (Chương trình 567) đã đạt được những kết quả tích cực.

Nhiều chính sách pháp luật khuyến khích phát triển VLXKN đã được ban hành như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Luật Đầu tư năm 2014; Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng… Nhận thức của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân đã được nâng lên. Nhiều giải pháp triển khai tốt Chương trình 567 đã được thực hiện.

Đến nay, cả nước đã có 26 địa phương ban hành chỉ thị; 57 địa phương ban hành kế hoạch xóa bỏ lò thủ công, thay vào đó là xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung. Các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung…, ông Bắc ghi nhận.

Đặc biệt, theo ông Bắc, các doanh nghiệp tư nhân đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm. Điển hình như Công ty Gạch Khang Minh (Hà Nam) đã đầu tư 6 dây chuyền sản xuất gạch bê tông với tổng công suất 270 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm; Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp… Một số công trình đã sử dụng 80 - 100% VLXKN. Đến nay, tổng công suất đã đạt mục tiêu mà Chương trình đề ra.

Mục tiêu Chương trình 567 đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020. Nhưng trên thực tế, đến năm 2017, tỷ lệ này đã đạt tới 28% và đang có xu hướng tăng cao, ông Bắc cho biết.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay, các nhà máy sản xuất thiết bị phục vụ sản xuất VLXKN đã phát triển khá mạnh. Cả nước hiện có hàng chục cơ sở chế tạo thiết bị được đầu tư nâng cấp và ra đời như: Công ty CP Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc ở Hải Phòng, Công ty DMC ở Hải Dương… Ngoài ra còn có nhiều công ty chế tạo thiết bị của nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để bán thiết bị sản xuất VLXKN. Các nhà máy chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất VLXKN cũng tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, để VLXKN vào các công trình nhiều hơn, ông Bắc khuyến nghị, các nhà thầu cung cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các cơ quan quản lý, cần thực hiện nghiêm các quy định khuyến khích phát triển VLXKN. Cùng với đó, tiếp tục thông tin, tuyên truyền phổ biến Chương trình 567 cũng như các chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với lĩnh vực này.

 

Theo ximang.vn